Khoảnh khắc chọn trường đại học và ngành nghề mình sẽ theo đuổi là một cột mốc quan trọng đối với mỗi người. Thế nhưng ở ngưỡng cửa mười tám, liệu có được bao nhiêu học sinh hiểu rõ những gì mình mong muốn, và quan trọng hơn, ngành học mình sắp chọn chứa đựng những gì đang chờ đợi mình? Học gì, học thế nào, ra trường làm gì, cả ngàn câu hỏi xoay quanh những người trẻ trong khoảnh khắc chọn ngành. Nằm trong series sách hướng nghiệp của Spiderum và TopCV, Người trong muôn nghề: Ngành kinh tế có gì? là cuốn sách tổng hợp những chia sẻ thật của các tác giả giàu kinh nghiệm, những người hoạt động trực tiếp trong đa dạng các vị trí liên quan đến khối Kinh tế….
Khách mời phỏng vấn: Đậu Thúy Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Quản lý OCD, Đồng sáng lập các edtech startup OMT và KidsOnline
Spiderum đặt câu hỏi cho tôi: “Với tư cách là những chủ doanh nghiệp, anh/chị tìm kiếm điều gì ở các bạn trẻ?”
1. Khả năng chống chịu, vượt khó khăn
Tôi đã đạt được một vài thành quả ở thời điểm hiện tại, nhưng để đến được đây, giống như các bạn tôi cũng phải trải qua rất nhiều hoang mang. Nỗi hoang mang ấy thường đến trong mỗi lần chuyển việc. Tôi đã từng có công việc rất ổn tại HP rồi lại xây dựng mọi thứ từ đầu khi quyết định mở công ty riêng. Bản kế hoạch kinh doanh đầu tiên tôi viết chưa nổi nửa trang giấy vì chẳng biết viết gì (dù được học rất bài bản). Rồi hoang mang vì là người có gia đình, có con nhỏ, đôi khi con ốm mà chồng lại đi công tác xa, nhiều lúc tôi chẳng biết xoay sở thế nào. Những lúc khó khăn thì có đúng một cách là mình ghi nhận, rồi lăn xả vào làm, tự nhủ: “Người khác vượt qua được mình cũng sẽ vượt qua được”. Và rồi mình sẽ học được rất nhiều từ những khó khăn đó.
2020 là một năm “đầy vết sẹo” do đại dịch Covid-19 và thế giới nói nhiều đến khả năng chống chịu (resilience). Đây cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là một trong 10 kỹ năng sẽ trở thành quan trọng nhất của năm 2025. Điều này rất đúng! Nhìn sang các nước phát triển, ta thấy cuộc sống của người dân đòi hỏi khả năng chống chịu rất cao. Không phải ngẫu nhiên khi cứ 18 tuổi là các bạn trẻ tự động sống tách khỏi gia đình, ký hợp đồng vay tiền để học đại học. Các bạn trẻ ở đó phải sẵn sàng với những rủi ro từ rất sớm. Xã hội được hình thành theo hướng mọi người dám chịu rủi ro nhiều hơn, dám có trách nhiệm lớn hơn. Ở Việt Nam nhiều bố mẹ vẫn chu cấp tất cả cho con, như thời bao cấp ngày xưa. Dù biết là thương con, nhưng tôi nghĩ đây không phải là cách làm hay. Tuổi còn trẻ, sức sống và năng lượng đang ở mức cao nhất, các bạn có quyền mạo hiểm, có quyền sai, và nên mạnh dạn đầu tư vào trải nghiệm của bản thân. Kể cả các bạn được sinh ra trong điều kiện tốt, không gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, các bạn vẫn nên đi xa, sống tự lập, thử thách bản thân để tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước hoàn cảnh. Sau này lớn tuổi hơn, các bạn chọn lựa lối sống an toàn cũng không có gì đáng tiếc.
2. Biết lên kế hoạch và quản lý tài chính cá nhân
Thời gian học MBA ở Mỹ, tôi quan sát thấy mọi gia đình người Mỹ đều có kế hoạch sẵn sàng cho tương lai. Con vừa đẻ ra, họ đã mở tài khoản tiết kiệm tiền cho con học đại học. Tôi từng gặp một gia đình nông dân ở New Hampshire. Họ có hai cánh rừng thông, và phân định rất rõ: một khu dành cho tiền học của con lớn; một khu dành cho con nhỏ; 15 năm thu hoạch một lần; tiền thu hoạch rừng cho con học đại học. Đây là tính cách rất đáng học hỏi.
Ngày nay, các bạn học xong và ở lại thành phố, không khó để tìm được một công việc đi làm ngay. Dù có thu nhập từ sớm nhưng không phải bạn nào cũng có kế hoạch dài hơi cho tương lai. Khi tuyển dụng, tôi thích nhất các bạn có kế hoạch, mà phải là kế hoạch tỉ mỉ rõ ràng chứ không phải viễn cảnh “ảo ảnh” về tương lai. Bạn nào có tầm nhìn xa, chỉ phỏng vấn vài ba câu là biết.
Bạn có dự định học Thạc sĩ, Tiến sĩ; dành tiền đi du lịch; mua xe; hay mua nhà,… tất cả đều cần kế hoạch và quy hoạch đầy đủ trong bản PDP của bạn.
Hiện nay, nhiều bạn càng có thu nhập tốt lại càng chi tiêu nhiều, chưa đến cuối tháng đã kêu hết tiền. Quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng quan trọng mà sớm muộn gì các bạn cũng phải học. Đó là công cụ giúp bạn rất nhiều. Việc mỗi tháng dành một khoản thu nhập để tiết kiệm cũng không hề khó, chỉ là các bạn có muốn thực hiện hay không. Để đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống, việc lên kế hoạch và quản lý kế hoạch là tối quan trọng.
3. Giỏi ngoại ngữ
Thiếu ngoại ngữ là một thiệt thòi lớn. Nhiều bạn mặc định mình không có năng khiếu học ngoại ngữ, rồi biện minh làm ngành này có cần gì đến ngoại ngữ đâu? Các bạn này: Ngoại ngữ là cần cho chính bạn, chứ không phải cho công ty. Không có ngoại ngữ, bạn không thể cập nhật thông tin, bỏ lỡ rất nhiều khóa học online/offline thú vị trên thế giới, loanh quanh “gà què ăn quẩn”, tự “trói mình” ở phạm vi trong nước. Thiếu ngoại ngữ, các bạn bị giới hạn rất nhiều khả năng phát triển.
Vì vậy, hãy bắt đầu học ngoại ngữ sớm nhất có thể (kể cả ra trường rồi bạn học vẫn kịp). Học ngoại ngữ để thế giới của bạn rộng mở, rồi bạn sẽ hiểu tại sao ngoại ngữ lại quan trọng đến thế.
4. Chủ động và dám dấn thân
Một trong những điểm yếu của một số bạn trẻ mà tôi đã gặp là bỏ cuộc nhanh. Tôi không bàn về nhóm người có thái độ “kiêu chảnh”, mà kể cả các bạn nghiêm túc, mong muốn cống hiến, cũng có xu hướng bỏ cuộc sớm hơn so với thế hệ chúng tôi. Công việc nào cũng sẽ khó khăn giai đoạn đầu tiên, làm sai, thất bại là chuyện rất đỗi bình thường. Có những bạn mới sau vài lần đã mất hết tự tin, sếp bảo sao thì mình làm vậy, không tự nghĩ hướng giải quyết nữa đó cũng là bỏ cuộc rồi.
Tôi rất khuyến khích các bạn thể trải qua công việc kinh doanh thực tế hoặc tiếp xúc với khách hàng. Bạn nào học được cách làm việc với khách hàng thường thăng tiến rất nhanh, vì có năng lực xử lý tình huống tốt. Tôi từng phỏng vấn tuyển dụng nhiều bạn trẻ, khi đề xuất bạn vào làm bộ phận kinh doanh, phát triển thị trường, chăm sóc khách hàng,… các bạn từ chối ngay lập tức. Các bạn chỉ muốn làm marketing truyền thông,… vì không phải tiếp xúc trực tiếp với khách. Đứng từ góc độ doanh nghiệp các bộ phận đó đang tiêu tiền, chứ không trực tiếp tạo ra lợi nhuận, hay còn gọi là “cost center”. Trong mấy năm đầu sự nghiệp, tại sao bạn không thử thách bản thân ở “profit center”? Tình huống tệ nhất là thấy mình không phù hợp, bạn vẫn có nhiều đường hướng khác để trải nghiệm. Nếu không làm kinh doanh, không xông xáo với thị trường, các bạn học Kinh tế để làm gì?
Với khối ngành kinh tế, đối thủ lớn nhất của các bạn không phải các anh chị đi trước, mà chính là các em học hóa sau. Thế hệ sau càng lúc càng nhanh nhạy, nền tảng ngoại ngữ tốt, mức độ “máu chiến” và sự tự tin cao hơn. Vì thế hãy luôn có tinh thần “can-do”, mình nhất định làm, được kể cả chưa biết cũng mạnh dạn thừa nhận: “Em biết một chút và sẵn sàng học”. Kể cả bạn không có chủ đích khởi nghiệp, tư duy sẵn sàng làm việc mới, trải nghiệm mới cũng phải rất cao, nếu không, bạn nên chọn chuyên ngành khác.